• 検索結果がありません。

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT ĐẶC TẢ NHÂN VẬT CON NGƯỜI CÁ NHÂN 65

3.2 Cá tính hóa nhân v ật

Mỗi nhân vật của Soseki đều mang đặc trưng rất riêng. Ngay cả những nhân vật phụ, Soseki cũng rất chăm chút, thể hiện đúng tinh thần của một xã hội “Các cá nhân đang mạnh lên ngang nhau”. Soseki sử dụng bút pháp cá tính hóa nhân vật khi ông muốn phân biệt từng cá nhân trong một nhóm, tiêu biểu nhất là nhóm trí thức nhàn rỗi trong Tôi là con mèo và nhóm giáo viên trong Cậu ấm ngây thơ.

Chỉ thế giới loài mèo (Tôi là con mèo) cũng đủ gây kinh ngạc, mỗi con mèo là một đặc điểm khác nhau, con mèo luôn nhắc nhở rằng thế giới loài mèo của nó cũng có sự phân biệt rõ ràng, trong khi con người chỉ thích gọi chung chung và nó cho rằng loài người chẳng hiểu gì về thế giới loài mèo. Con mèo ở nhà ông giáo nên nó tự cho rằng mình rất trí thức, chị Bạch nhà một quân nhân luôn sướt mướt vì mất con, cậu Mike nhà luật sư luôn lý luận, Tam Mao nhà bà thầy dạy đàn như một cô tiểu thư yểu điệu, Đen nhà hàng xe như kẻ lang thang bất cần đời luôn chán nản vì bị đối xử bất công. Những người thường xuyên lui tới nhà ông giáo Kushami là những đại biểu của giới trí thức và tư sản, mỗi người một vẻ mang đến bức tranh toàn cảnh về các tầng lớp trong xã hội Nhật Bản thời kì đó. Nhân vật Meitei là kiểu nhân vật độc đáo của Soseki: “Ông Meitei này, chắc là nghĩ nhà của người khác cũng là nhà mình nên chẳng cần chờ ai mời cũng cứ vào. Thậm chí có khi ông còn lẻn vào bằng cả cửa sau nữa. Đây là một con người mà từ khi lọt lòng sinh ra đã rơi sạch đi đâu tất cả những khái niệm như lo lắng, e ngại, ý tứ, vất vả”. [38, tr.105] Soseki đã xây dựng nên một nhân vật hết sức tự nhiên, thoải mái, không cung cách, qua những câu chuyện vô thưởng vô phạt của Meitei, cái vỏ rỗng của giới trí thức Nhật Bản thời kì đó hiện ra rõ mồn một. Meitei luôn đến nhà ông giáo một cách tự nhiên với những câu chuyện bịa đặt và trêu chọc. Ngay cả chuyện thất tình của ông ta cũng kì lạ và tếu táo. Kể chuyện ăn bữa cơm rắn cầu kỳ nhưng cái chính là cô con gái chủ nhà mà ông đem lòng mến mộ khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp và mái tóc hợp mốt. Nhưng khi nhìn thấy đầu trọc của cô gái và phát hiện đó là mái tóc giả, ông ta thất tình và ở vậy từ lúc đó. Cái tếu táo của Meitei cũng gần như là sự trốn tránh trước hiện thực nhiễu nhương, những câu chuyện bịa của ông ta là thế giới ông tự bịa ra cho mình để tự an ủi mình, tự tạo niềm vui cho mình.

Chuyện hôn nhân mập mờ với tiểu thư nhà Kaneda làm nổi bật lên chân dung của Kangetsu, một học trò xuất sắc, một nhân tài của Nhật Bản theo nhận xét của ông giáo và

72

Meitei, để cưới được con gái nhà Kaneda, theo yêu cầu của nhà họ anh phải trở thành tiến sĩ. Để trở thành tiến sĩ, hàng ngày anh ta đi mài viên thủy tinh, mài qua năm này tháng nọ, mài xong có thể trở thành tiến sĩ, một chi tiết rất hóm hỉnh của Soseki. Thế nhưng đến cuối cùng anh ta không mài nữa, và cưới vợ ở quê, chuyện với con gái nhà Kaneda coi nhưng không. Anh ta còn sáng tác “bài kịch” nội dung trống rỗng để lên tiếng tranh luận về vấn đề kịch cũ kịch mới, anh ta cũng học đàn violon và mức độ kể chuyện dông dài về lịch sử chơi đàn của anh ta cũng khiến Meitei ngả mũ chào thua. Kangetsu là một trí thức sống trong thế giới tưởng tượng, cao siêu, không thực tế giống như tên gọi mơ mộng của anh (Kangetsu:

Hàn nguyệt). Một chi tiết khá mơ hồ về anh Kangetsu này là cái đêm nhà ông giáo bị trộm (trộm một hòm khoai, áo khoác, dây lưng), con mèo nhìn thấy khuôn mặt kẻ trộm giống hệt anh Kangetsu nhưng cũng phủ nhận chắc không phải anh ta. Đến lúc cảnh sát bắt được kẻ trộm thì không hề thấy chi tiết ông giáo và cả Meitei nhìn kẻ trộm giống Kangetsu. Rốt cuộc chỉ có con mèo nhận thấy sự giống nhau giữa một anh học trò và một kẻ trộm. Học trò cũ hay lui tới nhà ông giáo không chỉ có Kangetsu mà còn có Sanpei, họ là hai hình ảnh đối ngược nhau. Anh Kangetsu thì chăm chăm con đường nghiên cứu lực học, còn anh Sanpei làm kinh doanh, luôn thuyết phục thầy mình về cái lợi của nhà doanh nghiệp, làm doanh nghiệp sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Tofu là một người say mê nghệ thuật, thành lập hội kịch, thường xuyên tổ chức diễn những vở kịch và ngâm thơ. Anh ta đi đâu cũng muốn giải thích tên họ của mình, từ Tofu (Đông Phong-gió đông) rất thích đọc theo âm tiếng Nhật là Kochi. Ochi Kochi nghe như thành ngữ “gần xa”, nghe rất có vần điệu. Cậu ta phàn nàn rằng “nếu đọc theo âm Hán là Tofu thì mọi người chẳng hề hiểu cho cái dụng ý rất công phu không dễ gì có được của tôi cả” [38, tr.80]. Tofu là một chàng trai có tâm hồn nghệ sĩ đến nỗi, chỉ mình anh ta kiên nhẫn nghe câu chuyện dông dài, tẻ ngắt của anh Kangetsu về chuyện anh ta lén lút mua cây violon như thế nào với một niềm say mê.

Nhà triết học là một nhân vật bí ẩn của Soseki, nhân vật này không được miêu tả kĩ lưỡng về tên tuổi, ngoại hình như những nhân vật khác. Cái được tô đậm ở đây là tiếng nói của ông. Nhân vật này xuất hiện sau những sự kiện dồn dập xảy ra làm đau đầu ông giáo, làm ông quá mệt mỏi và chán ngán. Chúng tôi cho rằng nhân vật này đại diện cho tiếng nói của tác giả. Nhà triết học so sánh Meitei và Suzuki với tư cách là người bạn cũ, Meitei cứ bồng bềnh như miếng bột xốp nổi trên mặt hồ, Suzuki là người khôn ngoan ở đời, nếu

73

Meitei là một viên bộp xốp thì Suzuki là một miếng bánh đúc rơm, lúc nào cũng “suôn sẻo”

một cách xấu xa, rung bần bật. Nhà triết học tự ví mình là củ khoai rừng “dài ra nhưng vùi trong bùn” sống như tất cả mọi người bình thường khác, chẳng có gì đáng phải thèm muốn cả, không oán giận ai. Chỉ riêng tính cách này đã “hé lộ” chân dung của Soseki, ông tự tạo nên tiếng nói cảnh tỉnh bản thân sau bao nhiêu biến cố…

Cách đặt biệt danh trong Cậu ấm ngây thơ thể hiện sự tài tình của Soseki trong việc

“điểm diện” tính cách của con người. Cậu ấm với cách nhìn đời thẳng thắn của mình đặt biệt danh cho tất cả giáo viên trong trường. Ông hiệu trưởng với biệt danh là Lửng (Tanuki) trong tiếng Nhật là một con vật hay biến hóa để trêu chọc lừa gạt người khác, Tanuki tượng trưng cho loại người ranh mãnh, láu cá, giả dối. Ông hiệu trưởng luôn sợ tổn hại đến thanh danh của mình, giả vờ đạo mạo, đòi hỏi cao ở giáo viên nhưng chính bản thân lại không thực hiện được, chính nhờ “đầu tàu” như ông mà ngôi trường đã đào tạo ra những học sinh như những tên du đãng, thiếu đạo đức. Áo Đỏ là biệt danh của hiệu phó, một trí thức có học vị cao nhất trong trường, anh ta luôn cư xử cho ra dáng một cử nhân đã tốt nghiệp đại học.

Biệt danh này được đặt theo chiếc áo đỏ mà ngài hiệu phó mặc trong mọi hoàn cảnh ngay cả khi trời nóng bức để thể hiện sự thức thời của mình. Nó thể hiện sự phô trương, khoe mẽ, sáo rỗng nhưng ẩn chứa bên trong là con người giảo hoạt, đê tiện, hiểu biết nông cạn về văn minh phương Tây. Có thể nói Áo Đỏ là điển hình cho sự xấu xa của người trí thức, luôn sử dụng tiếng Anh một cách nửa vời, khiên cưỡng, luôn giả bộ là một con người chuẩn mực nhưng thực chất sống tha hóa, luôn tỏ vẻ đạo đức nhưng lại đâm sau lưng người khác…Đi cùng Áo Đỏ là Hề Trống, một kẻ chuyên nịnh nọt, phụ họa tán dương cho những hành vi khoa trương sáo rỗng cho Áo Đỏ. Hề Trống (Nodaiko: người diễn trò hề trình độ thấp, không chuyên nghiệp) nhằm để chỉ con người rẻ mạt, đáng khinh. Bí Đỏ được đặt biệt danh vì thân hình phù nề và nước da nhợt nhạt của anh, một người đàn ông mẫu mực hiền lành theo đúng truyền thống nhưng quá nhút nhát và bị động. Những nỗi đau khổ trong cuộc đời của anh phần nhiều do tính cách của anh gây ra. Thầy dạy toán Hotta có nhiều tính cách tương đồng với cậu ấm, vẻ ngoài xù xì, góc cạnh, vạm vỡ và tính cách kiên định, gai góc rất phù hợp với biệt danh Nhím.

“Định danh” cho nhân vật của mình chính xác và tuyệt đối như những gì họ thể hiện trong tác phẩm là nét riêng của Soseki, chỉ cần đọc tên nhân vật, người đọc đã mường tượng được tính cách của họ như thế nào: bà Kiyo (Thanh cao) đại diện cho tinh thần truyền thống

74

Nhật Bản với lòng nhân hậu, tận tụy; Nàng Nami (Diễm ảo) mang dáng hình mờ ảo, khó nắm bắt, mỏng manh như sương khói. Bút pháp này giúp Soseki kiệm lời giới thiệu nhân vật, nhân vật của ông chứng minh tên gọi của mình qua suy nghĩ và hành động. Cá tính hóa nhân vật xuất phát từ nhu cầu muốn “định vị” bản thân trong xã hội của con người đồng thời nó khắc sâu vào trí nhớ người đọc những nhân vật tiêu biểu, điển hình của Soseki.